Cấu tạo của chữ Hán. Lục thư

Bộ Hán văn Tân giáo khoa thư của Lê Thước (Giải nguyên, giáo viên Albert Sarraut Hà Nội) và Nguyễn Hiệt Chi (Tú tài, giáo viên trường tiểu học Cao Xuân Dục Vinh) biên soạn

Cả tập 1 dành cho lớp Đồng ấu có 7 chữ/bài x 30 bài = 210 chữ.

Xưa các ông các bà lớp 1 học suốt một năm để nhớ 210 chữ này thì khá dễ. Ngày nay con cháu các cụ định học trong một tháng nhớ hết số chữ này dường như không dễ. Có bạn than, học trước quên sau. Về khách quan, có hai nguyên nhân

Một là, mỗi bài gồm 7 chữ đơn rời rạc, không thành bài thành câu có nghĩa.
Hai là, cách dạy chữ cũng là cách dạy truyền thống trước kia, đòi hỏi đọc viết thật nhiều để nhớ máy móc. Thỉnh thoảng đôi chỗ mới thấy ghi chú chữ này là vẽ hình , chữ này là gồm chữ x và chữ y, có ý là .. Đấy là ghi chú về cách cấu tạo chữ Hán, giúp người học dễ nhớ hơn. Nhưng quá ít. Có lẽ đây là sách giáo khoa dùng trong nhà trường, các tác giả không tiện viết quá dài, nên dành những giải thích về cấu tạo chữ cho giáo viên đứng lớp. Dùng bộ sách này để tự học vì thế hơi bất tiện.

Để giúp các bạn tự học chữ Hán dễ hơn, từ tập 2 tôi dự định sẽ tham khảo tài liệu soạn kèm thêm phần phụ chú, phân tích cấu tạo các chữ được học. Ở đây xin giới thiệu trước sơ qua về cách cấu tạo chữ Hán.

Bộ thủ

Thời Đông Hán, Hứa Thận (58-147) viết cuốn Thuyết Văn Giải Tự, thu thập được khoảng gần 10 ngàn chữ. Ông chia số chữ này ra thành hơn 500 nhóm, mỗi nhóm lấy một chữ làm đầu, được gọi là bộ thủ; các chữ trong nhóm đều chứa chữ gọi là bộ thủ này. Hiện nay số lượng chữ Hán đã nhiều gấp 5 lần thời Hứa Thận, nhưng số bộ thủ đã được rút gọn chỉ còn 214 bộ.

Thí dụ: bộ khẩu 口 (bài 1), và các chữ thuộc bộ khẩu đã học: 右 (b 4) 可 (b5) 名 (b8) 古 (b14) 合 (b18) 吉 (b 28)

Bộ nhân 人 (bài 1), và các chữ thuộc bộ nhân đã học: 兄 (b10) 他 (b 10) 仙 (b 19) 仁 (b 26). Chú ý rằng trong các chữ trên, bộ nhân được viết là 亻 hoặc 儿 .

Trong nhiều tự điển chữ Hán người ta sắp xếp các mục từ theo bộ thủ và số nét. (Bộ thủ ít nét hơn đứng trước; trong cùng bộ thủ, chữ ít nét hơn đứng trước)

*
Cũng dựa vào mười ngàn chữ này, Hứa Thận rút ra nhận xét rằng người xưa đã cấu tạo chữ Hán theo 6 cách, gọi là lục thư.

1. Tượng hình: Nhìn hình vẽ chữ.
Như nhìn ông người, người thượng cổ vẽ ra chữ (hình bên), theo thời gian thay đổi ít nhiều hiện nay viết là 人, âm Bắc Kinh đọc là ren2, âm Quảng Đông là jan4, âm trung cổ đọc là /ȵiɪn/ , .. ta đọc là nhân

Nhìn người đàn bà (quì), người thượng cổ vẽ ra chữ (xem hình bên), theo thời gian thay đổi, hiện nay viết là 女, âm Hán Việt là nữ, âm Bắc Kinh là nü3, ..

Nhìn con chó, người xưa vẽ ra chữ (xem hình bên). Chữ này đến thời Khổng tử chắc cũng đã biến đổi nhiều, dù vậy vẫn được ổng khen: sao mà giống thế. Hiện nay chữ này được giản hóa thành 犬 (khuyển), đố ai mà nhìn ra con chó! (Hình  một anh chàng bị chó đuổi co giò chạy toát mồ hôi thì đúng hơn!).

Kiểu tạo chữ như này được gọi là tượng hình. Đây là kiểu chữ cổ sơ nhất, gặp ở nhiều dân tộc, thời sơ khai. Theo thời gian, nhu cầu biểu đạt cao hơn, đòi hỏi vốn từ nhiều hơn, nhưng không phải cái gì cũng dễ vẽ ra được; ví dụ các khái niệm trừu tượng. Để giải quyết điều này, nhiều dân tộc chọn một số chữ làm mẫu âm, rồi kết hợp những mẫu âm này để ghi âm tiếng nói của họ - đấy là con đường của loại chữ biểu âm, như chữ Anh, chữ Việt, .. Người Hán không đi con đường này, mà tiếp tục dùng nhiều cách vẽ hay kết hợp hình vẽ khác để tạo chữ biểu đạt suy nghĩ của họ. Đây là loại chữ biểu ý. Sau đây là các cách tạo chữ khác của chữ Hán

2. Chỉ sự: Vẽ hình chỉ ý.
Như để biểu thị số 1 thì gạch một gạch 一; số 2, gạch hai gạch 二; số 3, gạch ba gạch 三.
Để chỉ cái ý "phần trên", người ta gạch một gạch rồi đánh dấu phía trên 丄. Hiện nay viết là 上 (b 13) , âm Hán Việt là thượng.
Tương tự, để chỉ phía dưới, người ta vẽ hình gạch đánh dấu phần dưới 丅 , hiện nay viết là 下, âm Hán Việt là hạ
Các chữ bản 本 (= gốc) , mạt 末 ( = ngọn) (b20) cũng được tạo ra bằng cách đánh dấu vào phần tương ứng của chữ mộc 木 ( = cây)
Chữ cấu tạo như này được gọi là chỉ sự.

3. Hội ý: ghép chữ chỉ ý
Như chữ hảo 好 (bài 9) có nghĩa  là tốt, gồm bộ nữ 女 và chữ tử 子, ý là con 子 mà ở bên mẹ 女 thì tốt.
Chữ tiên 仙 (bài 19) có nghĩa là ông tiên bà tiên, gồm bộ nhân và chữ sơn , ý rằng tiên là người sinh sống ở trên núi.

4. Chuyển chú: Mượn một chữ có sẵn, đọc khác đi để biểu đạt một ý nghĩa mới.
Thí dụ: chữ thượng 上 danh từ, có nghĩa là phần phía trên, khi được dùng làm động từ thì đọc là thướng, có nghĩa là đi lên. Đấy được gọi là phép chuyển chú.
Chữ hảo 好 là tính từ, có nghĩa là tốt, chuyển chú đọc hiếu, là một động từ, có nghĩa là ham thích.
Để cho dễ đọc hiểu, xưa các chữ chuyển chú thường được đánh một dấu nháy nhỏ ở góc (trái, phải / trên, dưới tùy theo chữ chuyển chú có thanh là thượng, bình, khứ hay nhập). Nay, ít nhất là trong các bản in, không thấy đánh dấu; người đọc phải tự suy diễn mà đọc sao cho hợp nghĩa.

5. Giả tá: Mượn chữ có sẵn, dùng biểu đạt một ý nghĩa mới, không chút liên quan gì với nghĩa cũ; và thường thì nghĩa cũ sau đó mất hẳn, phải đặt chữ mới để biểu đạt nghĩa cũ ấy nếu cần.
Thí dụ chữ bát 八 (b 16) là hình vẽ một vật bị tách hai, vốn có nghĩa là chia ra, về sau được mượn để chỉ (số) 8; còn nghĩa chia ra thì mất hẳn, không dùng.
Chữ dã 也 (b14) có nghĩa là cũng, vậy cũng là một chữ giả tá, ban đầu theo Hứa Thận là một chữ tượng hình, có nghĩa là cơ quan sinh dục phụ nữ; nghĩa này hiện cũng không dùng.


Chữ dã (Kim Văn) (hiện nay viết 也)

6. Hình thanh.
Chữ gồm hai phần: phần hình chỉ ý, và phần thanh chỉ âm đọc.
Thí dụ: Nhữ 汝 (b6) (= tên một con sông bên Tàu), gồm bộ thủy chỉ ý (sông thì có nước!) và chữ nữ 女 chỉ âm. Chữ này về sau được mượn làm đại từ nhân xưng ngôi 2, còn tên con sông ít ai chú ý nhớ.

Các chữ tha 他 (b10, = nó), địa 地 (b26, = đất) đều có phần chỉ thanh là dã 也 (b14).
Chữ thiết 切 (b20 = cắt) gồm thất 七 (b 15) chỉ thanh, và đao 刀 (b 20) chỉ ý.

Hình thanh có lẽ là phép tạo chữ xuất hiện muộn hơn cả, nhưng là phép tạo chữ quan trọng nhất của chữ Hán. Theo nhiều nhà nghiên cứu chữ hình thanh chiếm khoảng 80% số chữ Hán hiện nay.

Tóm tắt, lục thư là 6 cách tạo chữ Hán: Tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, giả tá. Trong đó chuyển chú và giả tá nói cho đúng không phải là cách tạo chữ - hiểu theo nghĩa tạo ra một chữ mới trước đó chưa có, mà chỉ là cách dùng chữ - dùng một chữ có sẵn theo nghĩa mới, bằng cách đọc khác đi (chuyển chú). hoặc mượn hẳn một chữ, gán chho nó một nghĩa mới, (thường là) bỏ luôn nghĩa cũ.

Lục thư là mượn theo cách phân chia của Hứa Thận, được nhiều nhà nghiên cứu về sau chấp nhận. Tuy nhiên ông định nghĩa khá vắn tắt, nhất là hai loại chuyển chú và giả tá, nên hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về hai lọai chữ này. Ngoài ra, do những thành tựu về nghiên cứu giáp cốt văn và kim văn, nhiều chữ đã được li giải, xếp loại khác với Thuyêt Văn Giải Tự.

Cũng là nói thêm cho biết. Với chúng ta mới đầu học chữ Hán, chưa cần quá quan tâm với những nghiên cứu hàn lâm sâu xa ấy, chỉ cần biết sơ, đủ gợi ý để dễ nhớ mặt chữ.

Comments

Popular posts from this blog

Bài 3.30. 契 券 債 息 約 替 贖 還

Cơ sở Ngữ văn Hán Nôm