Cách học chữ Nho

Hôm nay chủ nhật, dành để ôn bài. 
Ôn xong, đọc thêm về Cách học chữ Nho cho vui.
Đây là Bài thứ hai trong cuốn Tự Học Chữ Hán của Lưu Khôn (*)
-----------

I. Những khó khăn trong việc học chữ Nho

Ai cũng nhìn nhận rằng chữ Nho là một thứ chữ rất khó học. Ðiều này rất đúng, vì khi học chữ Nho, ta thường vấp phải những khó khăn sau đây:

A._ Khó nhớ:
Số chữ quá nhiều: quyển Khang Hi tự điển có tất cả đến 47.021 chữ. Ngoài những chữ đồng âm, còn có một số chữ đặt theo lối giả tá, khiến cho câu văn nhiều khi tối tăm khó hiểu.

B._ Khó nhận mặt chữ:
Có những chữ gồm nhiều nét phiền phức. Tỉ dụ: chữ 豔 diễm 28 nét, chữ 鬱 uất 29 nét.
Có những chữ na ná giống nhau, rất dễ nhầm lẫn.
Tỉ dụ: các chữ:
己 kỷ, 已 dĩ, 巳 tị.
戊 mậu, 戍 thú, 戌 tuất, 戎 nhung.

C._ Khó viết.
Vì khó nhận được mặt chữ, nên lúc viết, ta hay bối rối hoặc bỏ sót nét, hoặc quên hẳn không biết phải hạ bút ra sao. Trường hợp “đọc chữ làu làu, nghĩa nhớ vanh vách, nhưng khi cầm bút thì không biết phải viết thế nào” là một trường hợp rất thông thường, không riêng gì đối với người mới học.

II. Làm sao để khắc phụ những khó khăn ấy?

A._ Về điểm khó nhớ.
Ðây không phải là một khó khăn thực sự, vì với chí kiên nhẫn, với lòng ham học, với phương pháp tiệm tiến đi lần từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng, ta có thể học được tất cả. Huống chi, trong số mấy vạn chữ kia, chỉ cần vài ngàn chữ là ta đọc thông được sách vở; ngay bộ Khang Hi tự điển, chỉ có lối 4000 chữ thường dùng mà thôi. Vấn đề đặt ra là phải biết học thế nào để có thể nhớ được mặt chữ, đồng thời hiểu được cách sử dụng các chữ ấy.

B._ Về điểm khó nhận mặt chữ.
Thực ra khó khăn này chỉ có đối với những ai chưa quen với chữ Nho, hay nói rõ hơn, chưa nắm vững được 6 phép tạo chữ, tức lục thư. Thật vậy, khi ta hiểu được cách cấu tạo của mỗi chữ, khi ta biết rằng mỗi chữ được xếp theo bộ tuỳ theo ý nghĩa của nó (tỉ dụ: những chữ chỉ sông, biển thuộc bộ 水 (thuỷ: nước); những chữ chỉ đồ vật thuộc bộ 木 (mộc), bộ 皿 (mãnh), bộ 金 (kim)..., tuỳ theo nó được làm bằng gỗ, làm bằng đất nung, hay bằng kim loại.), khi ta nhìn ra được thành phần của mỗi chữ, ta sẽ không còn cảm thấy khó khăn trong việc nhận tự dạng nữa.

C._ Về điểm khó viết.
Ðến như việc cầm bút quên chữ, ta sẽ khắc phục được dễ dàng nếu ta chịu khó viết thường, nhìn luôn, nghe mãi và không ngừng tìm cách sử dụng những chữ coi như dễ quên ấy. Ðức Khổng Tử có dạy: Học nhi thời tập chi 學 而 時 習 之 (học rồi phải luyện lại luôn); việc học chỉ có kết quả – nhất là đối với việc học chữ Nho – khi nào ta biết chịu khó làm công việc ôn tập thường xuyên.
Tóm lại, với phương pháp tiệm tiến, ôn tập, phân tích, ta có thể khắc phục được mọi khó khăn đã nêu trên.

-----
(*) Lưu Khôn, Tự Học Chữ Hán, Sài gòn, Xuân Thu, 1965.
Cuốn này đã được Thư viện Huệ Quang in lại, hiện có bán trên mạng, ghi giá 199 000 đ.
Ai muốn xài E-book thì có thể download tại đây: https://nhatbook.com/2016/04/28/tu-hoc-chu-han/




Comments

Popular posts from this blog

Cơ sở Ngữ văn Hán Nôm

Bài 3.30. 契 券 債 息 約 替 贖 還

Hán Văn Tân Giáo Khoa Thư - Bài 1.1 人 口 目 耳 一 二