Hán tự thất thể
Chữ Hán ra đời cách đây khoảng 4 ngàn năm. Theo thời gian, kiểu chữ viết thay đổi. Người ta phân biệt 7 kiểu chữ Hán, thường gọi là Hán tự thất thể
Hình trích từ clip của Chou Meizai, giới thiệu ba hình thức của chữ nhân 人 ( = người), theo thứ tự là giáp cốt văn, kim văn và triện thư
Những chữ Hán xưa nhất tính đến nay được tìm thấy trên các mai/yếm rùa, xương thú được gọi là giáp cốt văn (giáp = mai/yếm rùa; cốt = xương), được cho là có từ cuối thời nhà Thương.
Đến đời nhà Chu, chữ được khắc trên đồ đồng, gọi là kim văn.
Qua thời Xuân Thu, Chiến Quốc người ta không còn dùng vật nhọn khắc, mà đã dùng bút, là một vật đầu nhọn thân rỗng chứa mực, viết trên thẻ tre. Kiểu chữ này gọi là triện thư. Trong khi giáp cốt văn, kim văn là những hình vẽ với những nét bút khá "tự do" thì ở triện thư, nét bút đã dần được kí hiệu hóa thành một số nét cơ bản, mỗi chữ là tổ hợp của một số các nét cơ bản ấy, nằm gọn trong một hình vuông.
Cũng trong thời kì này xuất hiện lệ thư, là chữ triện được đơn giản hóa, có lẽ để thích hợp cho việc viết trên lụa, chất liệu đã khá phổ biến trong thời này.
Đây là thời kì Tàu bị phân chia thành nhiều nước, nên nhiều chữ có cách viết khác nhau ở những nước khác nhau. Nhà Tần thống nhất Trung Quốc, quyết định dùng triện thư làm chữ viết chính thức trong cả nước, đồng thời cũng thống nhất các chữ có nhiều cách viết. Lệ thư, dù không được chọn làm chữ viết chính thức, vẫn được nhiều người sử dụng trong viết lách nhờ đơn giản hơn, viết nhanh hơn.
Đến thời nhà Hán sau khi bút lông và giấy được phát minh, một thể chữ mới cũng được phát triển từ lệ thư xuất hiện, gọi là khải thư, là kiểu chữ vẫn được dùng phổ biến cho đến nay.
Khải thư còn được gọi là chân thư, để phân biệt với thảo thư ra đời từ thời nhà Hán, hành thư xuất hiện từ thời nhà Tấn, là hai lối viết tháu. Chữ thảo khó đọc, chỉ dùng viết nháp hoặc trong nghệ thuật thư pháp. Chữ hành tháu ít hơn, nên dễ đọc hơn, nhiều người hiện vẫn dùng trong viết lách, ghi chép.
Chữ khuyển ( = chó) theo thời gian
Chữ nữ ( = đàn bà con gái)
(Hình chụp lại từ cuốn Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị)
Comments
Post a Comment