Hán Văn Tân Giáo Khoa Thư - Bài 1.1 人 口 目 耳 一 二

漢文新教科書 Hán Văn Tân Giáo Khoa Thư
童幼級 Lớp đồng ấu
Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi biên soạn
In lần thứ hai
Nha Học chính Đông Pháp xuất bản 1930
================================
Như đã giới thiệu hôm trước, Hán Văn Tân Giáo Khoa Thư là bộ sch1 dạy chữ Hán cho học sinh Tiểu học thời Pháp thuộc. Bộ sách có 5 cuốn, Đây là cuốn đầu tiên, dành cho học sinh lớp Đồng ấu, tức lớp Một bây giờ. Nào, cùng bắt đầu học.


Bài 1. 人 口 目 耳 一 二

I. Học chữ

01 人 Nhân, nhơn - 2 nét.
A. GIẢI NGHĨA: Người, tức là đàn ông, đàn bà, kẻ già, kẻ trẻ - như chúng ta vậy.
B. QUÁN THOẠI (1) (Tiếng nói đã quen, nghĩa là chữ Hán mà ta thường dùng để nói như tiếng ta).
Thánh nhân = ông thánh. Hiền nhân = người hiền. Đại nhân = người bực lớn. Tiểu nhân = người tâm địa nhỏ nhặt. Cử nhân = ông cử nhân, người thi hương đậu bực trên.
Tập viết (phần thêm của người gõ lại): https://youtu.be/zdIj9N2313w

02 口 Khẩu - 3 nét.
A. - Cái miệng (mồm); một bộ phận để ăn và nói. Lại có nghĩa là cửa, như cửa sông cửa biển.
B. - Khai khẩu = mở miệng. Cấm khẩu = không nói được. Hải khẩu = cửa bể.
Tập viết: https://youtu.be/0kZI7ZJH1BY

03 目 Mục - 5 nét.
A. - Con mắt; một bộ phận để xem. Lại có nghĩa là: đầu bài ở trong sách. - Các người coi công việc thường ở làng hay ở phủ, huyện, cũng gọi là mục.
B. - Mục kính = gương đeo mắt. Mục lục = Mục bài trong sách. Hào mục = người làm việc trong làng. Lại mục = người làm việc trong huyện.
Tập viết: https://youtu.be/u77vaDk38So

04 耳 Nhĩ - 6 nét.
A. - Lỗ tai; một bộ phận để nghe. Lại có nghĩa là: vậy thôi.
B. - Nhập nhĩ nhập nhãn = vừa tai vừa mắt. Mộc nhĩ = nấm mọc trên gỗ mục, hình như cái tai.
Tập viết: https://youtu.be/9qHNmnXJz7Y

05 一 Nhất - 1 nét.
A. - Một; số đếm ở đầu hết và ít nhất. Lại có chữ nhất kép 壹 dùng viết chữ số trong khế tự, và chữ nhất mã 〡 dùng viết trong sổ buôn bán.
B. - Nhất hạng = hạng đầu. Nhất đẳng = bực trên hết. Nhất tâm = một niềm.
Tập viết https://youtu.be/mw4cf2UJ0n0

06 二 Nhị - 2 nét.
A. - Hai. Chữ nhị kép: 弍,  貳;  chữ nhị mã: 〢
B. - Nhị hạng = hạng thứ hai. Nhị tâm = ở hai lòng.
Tập viết: https://youtu.be/35ASho5o8mQ

II. Tập chữ.
Viết chữ Hán thì sắp nhiều nét lại mà thành chữ. Vậy muốn tập chữ thì đầu hết phải tập từng nét cho tốt đã. Tất cả có 9 nét khác nhau như sau đây:



Khi viết phải có cái nòng (lồng) để sổ thẳng ngang bằng và sắp đặt cho chính đính. Chữ nào khó viết tốt, thì cắt ra làm hai, ba phần, tập từng phần một, rồi sẽ hợp lại mà viết cả chữ.
Cứ lẽ thường thì viết nửa trên rồi nửa dưới, nửa tả rồi nửa hữu.
Như trong bài này muốn tập nét ngang thì viết chữ 一 hay chữ 二. Viết nét 一 thì đặt bút bên tả rồi kéo sang bên hữu, đầu nhọn sau có dằn (nhấn) bút.
Lời dặn: Viết chữ Hán phải dùng bút lông với giấy, mực ta;không nên dùng bút chì và bút sắt viết vào giấy tây.

Chú của người gõ lại: Trong phần II Tập chữ này là phần hướng dẫn học sinh viết chữ. Các bài sau sẽ không gõ lại phần này, vì hiện nay có thể lên mạng xem video hướng dẫn trực tiếp, sinh động rõ ràng hơn rất nhiều, như các bạn có thể thấy ở trên. Các bạn có thể xem thêm:
- Hướng dẫn viết các nét cơ bản: https://youtu.be/vB09yyTAQxU

III. Kết chữ
Học chữ nào rồi, hợp với chữ khác đã học trước, mà tập đặt câu để chóng thông nghĩa và nhớ lâu. Đặt câu chữ Hán có hai lối: 1) Lối xuôi, gọi là "thuận trạng", 2) Lối ngược, gọi là "đảo trạng".
Những chữ học bài này thì dùng đặt được những câu sau này:

A. - Thuận trạng (lối xuôi)
Một người       一人
Hai người        二人
Một miệng       一口
Hai mắt hai tai 二目二耳

B. - Đảo trạng (lối ngược)
Miệng người   人口
Mắt người       人目
Tai người        人耳
Người một mắt 一目人.
----
(1) Trong sách này, những câu quán thoại thì chỉ viết âm mà không chữ, trừ ra khi nào gặp các chữ đã học rồi thì mới viết ra để nhắc lại cho học trò nhớ mặt chữ. Còn những chữ hiện học trong bài thì không viết ra, chỉ dùng cái sổ | mà thế vào. [Trong bản gõ lại này không dùng | thay chữ, mà gõ luôn chữ - không cần tiết kiệm giấy! - chú của người gõ lại.]

Comments

Popular posts from this blog

Bài 3.30. 契 券 債 息 約 替 贖 還

Cơ sở Ngữ văn Hán Nôm

Cấu tạo của chữ Hán. Lục thư